Giảng viên – Sinh viên Khoa Kỹ Thuật Cơ Khí chung tay phòng chống Covid-19

Tin tức sự kiện

Với phương châm LÝ THUYẾT ĐI ĐÔI VỚI ỨNG DỤNG THỰC TIỄN.

Giảng viên – Sinh viên Khoa Kỹ Thuật Cơ Khí Trường Đại Học Kỹ Thuật – Công Nghệ Cần Thơ đã sáng chế ra Máy Đo Thân Nhiệt & Sát Khuẩn Tay Tự Động, đóng góp nhiều lợi ích trong việc phòng chống Covid-19.

Giảng viên hướng dẫn: Trần Hoài Tâm

Sinh viên thực hiện thực:

   1. Phạm Trọng Nguyên

   2. Nguyễn Hữu Khánh

Không dừng lại ở đó, Thầy Tâm cùng với sinh viên Khoa còn chế tạo rô-bốt vận hành trong khu cách ly điều trị COVID-19 của Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Rô-bốt này đã hỗ trợ cho đội ngũ y bác sĩ trong công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 vừa qua khá hiệu quả. Cha đẻ của rô-bốt đang tiếp tục cập nhật thêm các tính năng mới để có thể ứng dụng nhiều hơn tại các khoa điều trị của BV.

Thầy Tâm (thứ ba từ trái qua) cùng cán bộ, nhân viên BV Lao và Bệnh phổi vận hành rô-bốt. Ảnh: BV cung cấp

Tháng 3-2020, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tiếp nhận điều trị cho 2 ca mắc COVID-19. Rô-bốt do thầy giáo Tâm sáng chế đã được đưa vào vận hành tại đây, chuyên chở vật tư y tế, đồ dùng sinh hoạt của bệnh nhân khu vực cách ly điều trị COVID-19. Qua camera gắn trên rô-bốt, người điều khiển sẽ “chỉ dẫn” rô-bốt đến đúng vị trí quy định. Ngoài chức năng chuyên chở, rô-bốt còn hỗ trợ thầy thuốc giao tiếp trực tiếp với bệnh nhân qua camera gắn trên rô-bốt.

Bác sĩ Nguyễn Hùng Thanh Tùng, tham gia ê-kíp điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, kể: “Mỗi ngày, ở khu cách ly điều trị COVID-19, BV ít nhất cũng mất 5-6 bộ đồ bảo hộ; trong đó, hơn phân nửa là dùng để đưa đồ cho bệnh nhân, chứ không phải là phục vụ cho điều trị. Nguồn vật tư thì có hạn, nên anh em trong khu cách ly hết sức tiết kiệm, chắt chiu từng bộ bảo hộ, thấy tiếc lắm nên đã báo cáo với lãnh đạo xin ý kiến”.

Theo bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, trong khu cách ly, mỗi lần vận chuyển thuốc, vật tư y tế, đồ dùng sinh hoạt, ăn, uống, rác thải… đều phải dùng đồ bảo hộ. Mỗi bộ mất hơn 300.000 đồng, nên rất tốn kém và nguy cơ dịch bệnh kéo dài thì sẽ thiếu đồ bảo hộ, chưa kể nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân sang nhân viên y tế, nhân viên phục vụ… Từ báo cáo của ê-kíp điều trị, BV đã giao cho đoàn thanh niên tìm giải pháp để giảm bớt chi phí.

Lúc đó, chị Nguyễn Thị Thu Trâm, Bí thư Chi đoàn cơ sở BV đã cùng các thành viên đi tham khảo các nơi, trao đổi và đặt hàng với thầy Trần Hoài Tâm của Trường Ðại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ. Nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của sản phẩm này, thầy Tâm nhận lời. “Thầy rất nhiệt tình, trách nhiệm, thiết kế phần cứng, điều chỉnh tính năng, hoàn thiện phần mềm của rô-bốt phù hợp với nhu cầu và điều kiện vật chất thực tế của BV”- chị Trâm kể.

Rô-bốt do thầy Trần Hoài Tâm sáng chế được điều khiển theo 2 cách: qua remote hoặc qua điện thoại di động (thông qua thiết bị phát sóng wifi gắn trên rô-bốt). Rô-bốt có thể di chuyển linh hoạt, mang nhu yếu phẩm, vật tư y tế vào khu cách ly. Sau 3 tuần lên ý tưởng, thiết kế, mua sắm vật tư, lắp rắp, cài đặt… rô-bốt đã được đưa vào vận hành thử tại khu cách ly. Chưa dừng lại ở đây, thầy tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp với địa hình thực tế của BV.

Thầy Trần Hoài Tâm nói: “Tôi được đào tạo về cơ điện tử và tự động hóa, đề tài tốt nghiệp cũng làm về rô-bốt. Tôi đang giảng dạy chuyên ngành này tại Khoa Kỹ thuật cơ khí nên lĩnh vực này đã trở thành một phần cuộc sống và đam mê. Về trường công tác, ngoài hỗ trợ sinh viên tham gia các cuộc thi về rô-bốt nên tôi cũng có được những kiến thức nhất định qua những nghiên cứu trong và ngoài nước từ trước nên không gặp nhiều khó khăn trong thiết kế, chế tạo”.

Theo thầy Tâm, khâu mất thời gian nhất là mua vật tư chế tạo, do dịch bệnh, nên phải đặt hàng qua mạng. Thiết bị ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và phải chờ lâu, có thiết bị khi lắp đặt vào lại không tương thích, vận hành không đạt yêu cầu đặt ra, phải tìm thiết bị khác, mất rất nhiều thời gian, nhưng khi khắc phục các hạn chế, đưa vào vận hành đã giúp đội ngũ thầy thuốc của BV rất nhiều. “Sau rô-bốt này, tôi đã có kinh nghiệm nên từ những rô-bốt sau, thời gian và chi phí sẽ tiết kiệm và giảm xuống đáng kể”- thầy Tâm khẳng định.

Với lợi thế vận hành hiệu quả, chi phí đầu tư ít (toàn bộ tiền vật tư thiết bị để làm hết khoảng 14 triệu đồng), tiết kiệm rất nhiều so với việc nhu cầu sử dụng vật tư y tế như trước đây của BV. Với tâm niệm chung tay chống dịch, phục vụ cộng đồng, cộng với tinh thần đam mê nghiên cứu, thầy Tâm đang tiếp tục nghiên cứu và cập nhật thêm một số tính năng mới cho rô-bốt như phun khử khuẩn khu cách ly, hỗ trợ điều trị nhằm góp phần giữ gìn sự an toàn và thay thế cho cán bộ, nhân viên y tế ở một số công đoạn.

Bác sĩ Trần Mạnh Hồng cũng cho biết, ngoài vận hành trong khu cách ly, điều trị COVID-19, BV còn sử dụng rô-bốt này vận hành trong Khoa Lao kháng thuốc. Ðây là khoa chuyên điều trị lao kháng thuốc, tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc. Những bệnh này nguy hiểm và khả năng lây nhiễm rất cao. Rô-bốt do thầy Tâm sáng chế thật sự đã góp phần rất lớn trong việc giữ an toàn, tiết kiệm chi phí cho BV.

Nguồn: “https://baocantho.com.vn/thay-giao-che-tao-ro-bot-van-hanh-trong-khu-dieu-tri-covid-19-a124482.html”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *